Tech Hunt Inspiration #119
Hãy cùng Techhunt cập nhật những case study ứng dụng các công nghệ, phương tiện mới thú vị nhất, mới nhất để bắt kịp với xu hướng, sánh vai cùng các agency năm châu nhé!
Chúng ta sẽ bắt đầu một series về chủ đề “Những công nghệ giúp quảng cáo trở nên linh hoạt hơn, cá nhân hóa hơn để tạo ra sự liên quan mật thiết với người xem”. Let’s go!
AI product placement — Quảng cáo nhúng sản phẩm tinh vi hơn nhờ AI
Bạn có biết về Product Placement? Tiếng Việt thường gọi đây là hình thức quảng cáo nhúng sản phẩm, là khi sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu sẽ xuất hiện một cách tự nhiên trong một bộ phim, một MV, một video, hay một gameshow nhằm mục tiêu đưa sản phẩm đến gần hơn với đối tượng khán giả đang xem nội dung video đó.
Ví dụ dễ hiểu nhất là các thương hiệu son xuất hiện trên môi nữ diễn viên trong phim Hàn Quốc, hay giày Bitis xuất hiện trong MV của Sơn Tùng. Theo các chuyên gia và dữ liệu, thương hiệu càng gắn liền với nhân vật, tình tiết trong phim hay cảnh quay sẽ càng tạo ra mối liên kết cực mạnh và lâu dài đối với người xem, thậm chí tạo ra cơn sốt viral và giúp doanh số bán hàng tăng cực nhanh, như các bộ sưu tập son ở Hàn Quốc chẳng hạn.
Thế nhưng Product placement thường hay gặp một vấn đề, đó là những cảnh quay không thể quay lại, vì thế sản phẩm nào đã ở trong set thì sẽ cố định là sản phẩm đó. Theo đó, có những sản phẩm người Việt thấy trong phim Hàn Quốc rất hay nhưng họ lại không thể mua nó ở Việt Nam, thì thương hiệu đó sẽ mất cơ hội tạo doanh thu từ nhóm người xem này. Ngược lại, những thương hiệu ở Việt Nam muốn quảng cáo nhưng lại không thể xuất hiện trong phim Hàn, cũng mất cơ hội tạo mối liên kết với khán giả.
Vậy, sẽ thế nào nếu như cùng một bộ phim nhưng sản phẩm xuất hiện trong những cảnh quay có thể tự do thay đổi linh hoạt được?
Nghe có vẻ rất là fantasy vì cảnh quay là thật, sản phẩm xuất hiện trong cảnh cũng phải ở đó mới lọt vào khung hình được. Nhưng không, từ năm 2018, Ryff và một số startup khác về công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, xử lý hình ảnh và AR đã phát triển một công nghệ giúp đem Product placement sang một kỷ nguyên hoàn toàn mới, siêu thực hơn.
AI của Ryff có thể nhận diện đồ vật, sản phẩm, khung cảnh, điều kiện ánh sáng trong phim và render CGI ngay trong thời gian thực, để “chèn” sản phẩm ảo AR vào trong phim một cách vô cùng chân thực và tự nhiên. Từ đó chúng ta có thể thêm, xóa, thay đổi bất cứ sản phẩm nào trong cảnh phim đã được quay mà chẳng cần quay lại!
Ryff có 2 hình thức chính để biến Product placement trở nên linh hoạt hơn nhờ AI, hãy cùng khám phá nhé:
1. Place ads in empty space — Từ không thành có
Như bạn thấy, AI của Ryff sẽ tự động nhận diện được mặt bàn, túi xách, áo thun, banner, poster trên tường, hoặc bất kì khoảng trống nào trong khung hình và “đặt” một sản phẩm ảo AR vào đó, với ánh sáng, độ lớn hoàn toàn chân thực và hợp lý với các thành phần khác xuất hiện trong khung, và không chỉ là một hình ảnh tĩnh, vật thể AR này hoàn toàn 3D với độ phân giải cao và thậm chí thay đổi góc theo từng góc quay, từng cú lia máy.
Với cách này, chai rượu Remy Martin, hay ly Starbucks có thể xuất hiện trên bất cứ khung hình nào của phim nào tùy thuộc vào hợp đồng quảng cáo, thời điểm và đối tượng họ muốn nhắm tới, dù ban đầu họ không hề có tài trợ hay product placement nào cho phim. Hoặc là, một túi xách không biết brand nào có thể trở thành túi xách của Forever 21 như video này chẳng hạn.
2. Replace products — Biến đổi sản phẩm
Đây mới thực sự là tính năng làm AR của Ryff trở nên bá đạo hơn hẳn. Không chỉ đơn thuần là đặt một sản phẩm vào khoảng trống trong cảnh phim, tính năng Replace products thậm chí nhận diện ra được trong khung hình đang có sản phẩm gì, thuộc loại gì, là dầu gội, bịch snack hay bình nước ngọt, và THAY ĐỔI sản phẩm đó thành một sản phẩm khác!
Thậm chí, label của chai nước cũng có thể thay đổi để cập nhật phiên bản mới nhất, hoặc cập nhật thành label có ngôn ngữ của nước đó, như tiếng Hàn tiếng Nhật tiếng Ả Rập, nhằm đem tới một trải nghiệm gần gũi hơn với người xem tại nước đó.
Hoặc các nhà làm phim và thương hiệu cũng có thể “quậy” hơn, bằng cách đem “tráo” sản phẩm từ những thương hiệu hiện đại như Coca-Cola, Apple vào đặt trên bàn trong một cảnh của những bộ phim cách đây hàng chục năm chẳng hạn.
Nhờ AI của Ryff, nội dung và mọi thứ xuất hiện trong phim ảnh và video từ giờ sẽ không cố định nữa, mà sẽ linh hoạt thay đổi để gần gũi hơn với đối tượng xem tùy vào thương hiệu muốn quảng cáo. Tiềm năng quảng cáo của mỗi bộ phim, video, MV, gameshow sẽ trở nên vô hạn, và doanh thu quảng cáo, hiệu quả quảng cáo cũng trở nên vô hạn theo, đó là sức mạnh của AI, công nghệ hình ảnh và AR!