Get In Touch
386/21B Le Van Sy, Ward 14, District 3
Ho Chi Minh City,
quan.tram@techhunt.vn
Work Inquiries
quan.tram@techhunt.vn

Những pha tái thiết kế logo của năm 2021 (P.2)

Những pha tái thiết kế logo của năm 2021 (P.2)

Một năm 2021 đầy sóng gió đã qua. Và đây cũng là một năm đáng nhớ với rất nhiều sự thayđổi trong thế giới công nghệ, đặc biệt là việc xu hướng digital hóa, metaverse hóa mọi thứ trở nên mạnh mẽ và rõ ràng hơn trong tất cả doanh nghiệp. Tuần này, hãy cùng Techhunt đến với phần 2 của loạt bài những pha tái thiết kế logo nổi bật nhất, sửng sốt nhất từ các thương hiệu lớn nhé!

Xem lại phần 1 ở đây nha: Những pha tái thiết kế logo của năm 2021 (P1)

Nielsen

Công ty nghiên cứu thị trường nổi tiếng Nielsen đã thay đổi logo sau nhiều năm để phù hợp cho thời đại digital. Logo mới này thể hiện ý nghĩa thương hiệu mới của Nielsen là “Powering a Better Media Future for All People” (Tạm dịch: Đem lại một tương lai truyền thông tốt hơn cho tất cả mọi người).

 

Nghe có vẻ rất đao to búa lớn nhưng tương lai của truyền thông theo lý tưởng của Nielsen cũng có vẻ rất tích cực, gần gũi và có phần… nhí nhảnh. Họ thay đổi hoàn toàn một logo có phần cũ kĩ của thời đại internet năm 90 để trở nên hiện đại, vui tươi hơn với 4 hình tam giác đầy màu sắc đại diện cho nút “Play” và chỉ số thị trường lên xuống, đem lại rất nhiều insights phong phú cho những thương hiệu và agency để làm truyền thông được tốt hơn và phù hợp hơn. Và, cũng phải nói tới phần hay nhất là 4 hình tam giác này tạo thành một negative space chữ N của Nielsen, giúp in đậm dấu ấn của thương hiệu hơn hẳn so với logo cũ.

Standard Chartered

Ngân hàng Standard Chartered cũng gây ngạc nhiên khi thay đổi logo của mình sau rất nhiều năm, để mang lại sự linh hoạt, đơn giản và dễ thích ứng trên các nền tảng digital hơn. Team agency từ khắp các quốc gia như Hong Kong, London, Singapore đã làm việc cùng ngân hàng từ suốt năm 2018 đến giờ để tạo ra sự thay đổi triệt để từ cấu trúc thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu, cá tính thương hiệu cho tới giao diện người dùng.

 

Kết quả là một logo với màu sắc sặc sỡ tươi tắn hơn, bộ typeface ấn tượng hơn bộ font có vẻ mặc định như logo cũ, và logo này cực kỳ nổi bật trên những vật phẩm, cảnh nền khác nhau như bảng hiệu tòa nhà, thẻ ngân hàng, brochure, website, mobile app đến đồng hồ thông minh.

 

Điểm sáng tạo nhất ở đây là phần ngọn của đường xoắn đã được biến tấu thành 2 “giọt nước”, giúp tạo ra một ấn tượng mới mà Standard Chartered muốn khách hàng của mình cảm nhận được — là sự “linh hoạt đồng hành cùng tất cả mọi người, tất cả những nhu cầu bạn cần trong mọi giai đoạn cuộc sống”.

VISA

Tổ chức tài chính lớn tiếp theo thay đổi logo của mình trong năm 2021 là VISA. Và liệu không biết có phải đây là một trong những pha tái thiết kế logo đáng thất vọng nhất năm hay không, khi gần như chúng ta không thể nhận thấy sự khác biệt nào giữa logo cũ (giữa) và logo bên phải (mới). Từ sau khi bỏ vệt cam trong lần tái thiết kế trước, VISA chỉ còn lại một xanh có gradient, và giờ đây họ chỉ đơn giản là… bỏ đi hiệu ứng gradient đó, kết quả là một màu xanh xanh (xanh hơn một chút), và không có gì mới mẻ nữa.

 

Tuy thay đổi nhỏ là thế, nhưng ý nghĩa đằng sau theo VISA thì nó cũng… khá ý nghĩa. Không phải cứ thêm là tốt mà đôi khi bỏ bớt sẽ giúp sản phẩm ngày càng tốt hơn. Theo VISA, màu xanh trơn như vậy sẽ giúp thương hiệu dễ thích ứng hơn với các nền tảng digital, và trên hết là nó nhấn mạnh tinh thần “inclusive design” — một VISA công bằng dành cho tất cả mọi người chứ không thiên vị, không có khoảng gradient màu sáng hơn, tối hơn cho một ai, một chiếc thẻ VISA là nền tảng cho một xã hội không tiền mặt dành cho tất cả mọi người, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào.

Bandai Namco

Nghiên cứu với tài chính đủ rồi, để chốt lại phần 2 của “Những pha tái thiết kế logo của năm 2021”, chúng ta sẽ đến với một thương hiệu khác thuộc ngành giải trí, đó là Bandai Namco, một tên tuổi cực kỳ nổi tiến trong giới gamer vì những trò chơi kinh điển khó quên của họ từ hàng chục năm qua.

 

Vào khoảng 15 năm trước, logo chỉ được đơn giản tạo nên từ sự sát nhập của hai công ty phát triển game là Bandai và Namco với 2 màu đỏ và cam đặc trưng. Thế nhưng giờ đây với sự đồng hành và những kế hoạch phát triển mạnh mẽ trong tương lai, Bandai Namco sẽ chính thức đổi sang màu hồng magenta trẻ trung, không còn 2 màu của 2 công ty khi xưa nữa.

 

Logo mới này sẽ thể hiện sứ mệnh mới của Bandai Namco là làm những trò chơi điện tử để “chia sẻ những giấc mơ, niềm vui, và những niềm cảm hứng với tất cả mọi người để kiến tạo nên một tương lai tươi sáng cho cả thế giới”. Để thể hiện sự quyết tâm vào sứ mệnh (Purpose) đó, logo là một chiếc khung hội thoại quen thuộc cách điệu từ chữ P bự.

 

Chiếc khung hội thoại, được gọi là “Fukidashi” trong tiếng Nhật, còn để thể hiện sự trao đổi, giao lưu, chia sẻ những điều thú vị, dễ thương, chia sẻ những ý tưởng sáng tạo vô hạn từ văn hóa manga đến cho mọi người trên khắp thế giới.

Techhunt’s comment

Qua những sự thay đổi logo sang phong cách tối giản, có phần hơi quá… giản đơn quá của các thương hiệu, ta có thể thấy rằng mục đích nhắm tới của họ là làm sao cho logo đơn thuần lại nhất có thể, để vừa thể hiện bản sắc thương hiệu, vừa thể hiện rõ đẹp và thích ứng tốt nhất trên các nền tảng digital của tương lai như mạng xã hội, AR/VR và thế giới ảo metaverse và đó tiếp tục sẽ là xu hướng chung của tất cả các thương hiệu trong tương lai gần.

Nguồn: Lippincott

Đó là một tuần dành cho các case study từ những thương hiệu có tư duy rất mới lạ, áp dụng công nghệ đơn giản mà hiệu quả để làm trải nghiệm thú vị hơn. Chân thành cảm ơn các bạn đã đọc^^.
From the team at TechHunt | The Hunter Group

    Author avatar
    Techhunt team

    Post a comment

    Your email address will not be published. Required fields are marked *