“OK, Babcia” | Lưu truyền giá trị truyền thống nhờ công nghệ
Vào 2 năm trước, Mastercard khởi động chiến dịch lớn “Priceless” – nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị “vô giá” trong văn hóa, nghệ thuật, cuộc sống con người, những giá trị cực kỳ tuyệt vời, xứng đáng được trân trọng, lưu giữ và lưu truyền.
Tiếp nối chiến dịch Priceless, một ý tưởng execution rất thú vị đã được Mastercard kết hợp cùng Google triển khai, đó là “OK, Babcia”, hãy cùng khám phá nhé!
Vào 2 năm trước, khi dịch Covid hoành hành và con người phải bị cách ly trong nhà, một cách tự nhiên, những con người trước giờ không đụng tay vào việc nhà, bếp núc các loại đều phải tự xắn tay lên và làm. Những người trẻ thì tất nhiên không biết nấu ăn cầu kỳ, họ chỉ mong nấu được những món truyền thống, những món đơn giản nhưng giàu dinh dưỡng để giữ sức khỏe bản thân và gia đình trong mùa dịch.
Thế nhưng, thay đổi thói quen đâu phải ngày một ngày hai, họ vẫn rất cần những hướng dẫn, lời khuyên và những công thức nấu ăn nhanh gọn nhưng ngon lành.
Và nói tới những công thức nấu ăn món truyền thống, nhanh gọn nhưng ngon lành, có lẽ không ai “rành” hơn là những… Babcia (tên gọi chung dành cho những bà ngoại nội trợ ở Ba Lan – the Polish Grannies). Vậy là, Mastercard nhìn thấy cơ hội trong 2 vấn đề tưởng như rất khác nhau này:
- Người trẻ đang bị cách ly, và cần lời khuyên và kinh nghiệm về vấn đề nấu ăn.
- Trong khi những người lớn tuổi cũng đang bị cách ly, và thường ở một mình, thì lại có kiến thức về nấu nướng, và cần người tâm sự, trò chuyện để vơi đi sự cô độc tuổi già.
Và Mastercard còn thấy rằng, những kiến thức về những món ăn truyền thống của những Polish Grannies (Babcia) là những giá trị “vô giá” mà họ cần giúp giữ gìn và lưu truyền. Vì vậy, họ đã nảy ra ý tưởng “OK Babcia”, nhằm giúp tạo ra một cầu nối giữa 2 thế hệ, giữa 2 nhu cầu rất cụ thể và thiết thực, và nhờ sự kết nối đó, giúp lan tỏa và tôn vinh giá trị của món ăn truyền thống Ba Lan.
Thế là, Mastercard đã hợp tác cùng Google, để “hack” chiếc loa Google Home quen thuộc trong mỗi gia đình để xây dựng nên chiếc cầu nối này. Google đã tinh chỉnh một chút chiếc loa để nó nhận diện câu gọi quen thuộc với chiếc loa là “OK, Google” thành “OK, Babcia” như một từ khóa để “kết nối” người trẻ với những Polish Grannies đang chờ bên kia đầu dây.
Mỗi người bà ngoại Ba Lan sẽ hợp tác với Google, và sẽ là người trực tiếp lên tiếng trả lời người dùng khi họ hỏi về những kiến thức và công thức ẩm thực truyền thống.
Và khi những người trẻ nói chuyện với những Babcia này, họ sẽ có cơ hội được học những kiến thức thực tế, không sách vở nào dạy được từ kinh nghiệm của các bác này, về đủ vấn đề trên đời như nấu ăn, chăm sóc cây, hay thậm chí nên… tặng quà gì cho người yêu. Đồng thời, các bác này cũng được có người để nói chuyện, giúp bớt buồn chán khi ở một mình.
“OK, Babcia” đã trở thành một công cụ hiện đại giúp kết nối những giá trị, kinh nghiệm của rất nhiều năm đến lớp trẻ, để nó được lưu truyền và tiếp nối.
Giá trị “Vô giá” này mà Mastercard tôn vinh đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng, với hơn 13% lượng tương tác trên toàn dân số ở Ba Lan, 21% lượng dân số tìm tới Babcia cho những lời khuyên hữu ích. Và trên hết là, đã có tới 1500 công thức nấu ăn được chia sẻ, tiếp nối, thử nghiệm, và đặt nguyên liệu trên nền tảng giao nguyên liệu từ siêu thị Everli – minh chứng cho tính thực tế và hữu ích, đem lại giá trị thực sự của ý tưởng.
Nguồn: Adsoftheworld
Techhunt’s comment
“OK, Babcia” là một ví dụ và minh chứng hay về việc công nghệ không bỏ qua những đối tượng ở thế hệ trước, mà còn giúp đỡ họ, và làm cho họ cảm thấy hữu ích hơn trong thời đại mới. Công nghệ kết nối 2 thế hệ này cũng tuyên bố mạnh mẽ với mọi người rằng: những bà ngoại của mình còn cool và hiểu biết hơn hẳn mớ AI hay ChatGPT nữa!
Đó là một tuần dành cho các case study từ những thương hiệu có tư duy rất mới lạ, áp dụng công nghệ đơn giản mà hiệu quả để làm trải nghiệm thú vị hơn. Chân thành cảm ơn các bạn đã đọc^^.
From the team at TechHunt | The Hunter Group
Views: 1,539