Give a Hand.AI - Triệu người chung tay hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu
Với sự phát triển thần tốc của AI và những API mở từ công nghệ này, rất nhiều lập trình viên đã nhanh nhạy ứng dụng công nghệ AI để tạo ra những phần mềm, những app kỳ diệu và thật sự hữu ích cho doanh nghiệp và con người.
Đặc biệt, với đối tượng người đặc biệt (hay còn gọi là disable – người khuyết tật, như khiếm thị, khiếm thính…) thì những ứng dụng từ AI đem tới sự hỗ trợ cực kỳ cần thiết, và đây là mảng rất nhiều tổ chức, tập đoàn lớn quan tâm, đầu tư. Tất cả đều mong muốn góp tay giúp đỡ để cuộc sống người đặc biệt dễ dàng hơn một chút, hòa nhập giao tiếp với xã hội nhiều hơn một chút.
Thế nhưng mọi sự cách tân và phát triển đều gặp khó khăn, hôm nay chúng ta sẽ xem câu chuyện của dự án mới nổi GiveAHand.ai, một trong những nỗ lực giúp đỡ cho công cuộc ứng dụng AI giúp đỡ người đặc biệt (người khuyết tật), cùng xem nhé!
Những ứng dụng AI giúp đỡ cho đối tượng đặc biệt có thể kể tới vài ví dụ như:
- AI nhận diện vật thể xung quanh và thông báo cho người khiếm thị để họ nhìn được thế giới xung quanh
- AI nhận biết giọng nói và biến nó thành chữ để người khiếm thính hiểu được người xung quanh muốn nói gì
- hay ở chiều ngược lại, AI nhận diện được ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính, người câm, và dịch ra nội dung cho người bình thường hiểu được. Dự án GiveAHand.AI đang tập trung vào AI ở mảng này.
Trong bối cảnh công nghệ AI đang phát triển vũ bão qua từng ngày, thì có một thứ đang cản trở sự phổ biến và ứng dụng thực tế của nó, đó chính là lượng data ngôn ngữ ký hiệu để huấn luyện (training) cho máy móc, AI hiểu. Lượng data này đang gặp 2 vấn đề: thứ nhất là data quá ít thì sẽ không huấn luyện để AI đủ thông minh, thứ hai, là data quá phân mảnh và không được cấu trúc một cách khoa học, để nó “xài được” lâu dài.
Vì 2 vấn đề đó, Hiệp hội Hoa Kỳ về trẻ em khiếm thính (American Society for Deaf Children) đã ra mắt dự án GiveAHand.AI với mục tiêu khá tham vọng: tạo ra thư viện dữ liệu về hình ảnh bàn tay và ngôn ngữ ký hiệu lớn nhất thế giới, nơi tập trung tất cả data bàn tay được cấu trúc khoa học, đầy đủ để tạo thành bệ phóng vững chắc cho AI tận dụng tối đa.
Để đạt được mục tiêu tham vọng đó, họ đã định vị đây là một dự án “xã hội và dân chủ”, nói cách khác, đây là một dự án “nhờ nguồn lực từ cộng đồng” (crowdsourcing). Đây cũng là một cách chơi chữ hay từ cụm “give a hand” (nghĩa là giúp một tay), nhưng với dự án này, nó mang nghĩa đen hoàn toàn, đó là “cho một tay”!
Vậy “cho một tay” là thế nào?
GiveAHand.ai không cần người đóng góp phải trợ giúp gì phức tạp như đóng góp tiền bạc, hay công sức. Tất cả những gì cộng đồng cần làm, chỉ là đưa bàn tay của mình lên theo tư thế một từ, một câu nào đó trong bảng ngôn ngữ ký hiệu, rồi chụp lại và đăng lên website GiveAHand.AI.
Hệ thống sẽ tự động làm tất cả mọi thứ khác, như gắn nhãn xem hình ảnh này thể hiện từ-câu gì trong ngôn ngữ ký hiệu, và đồng thời nó cũng sẽ nhận diện và gắn “xương” dữ liệu vào từng ngón tay, đốt tay, nhằm giúp cho máy móc AI nhận ra được rằng: với tư thế như vậy, thì bàn tay này đang muốn nói điều gì.
Và vì cách “đóng góp” này quá dễ dàng và tiện lợi, hàng ngàn người, hàng triệu người, hàng tỉ người sẽ có thể đóng góp bàn tay của mình một cách dễ dàng. Từ đó, thư viện sẽ có hàng tỉ dữ liệu về bàn tay, và với 1 từ trong ngôn ngữ ký hiệu, sẽ có 1 tỉ hình ảnh khác nhau, với những góc độ chụp khác nhau, sáng tối khác nhau, màu da khác nhau. Dữ liệu đa dạng như vậy sẽ giúp cho AI “hiểu” được toàn diện hơn, và sau đó, dù cho gặp bất kỳ bàn tay ở điều kiện nào thì AI cũng có thể hiểu được ngôn ngữ ký hiệu, và app sẽ giúp người dùng hiểu được thông điệp – chỉ từ hình bàn tay.
Những người khiếm thính, người câm như một cặp mẹ-con ở xa nhau có thể gọi video với nhau và hiểu từng câu từng chữ qua ngôn ngữ ký hiệu, và AI sẽ xử lý để hiện thông điệp lên màn hình ngay trong thời gian thực, thay vì phải đánh chữ như trước. Đây là một trong những ứng dụng tuyệt vời, nhân văn và vô cùng tình cảm mà con người có thể có được nhờ dự án GiveAHand.AI.
Để đem dự án được tới nhiều người hơn, thu hút nhiều nguồn lực hơn, tất cả dữ liệu bàn tay từ dự án sẽ được chia sẻ cho tất cả mọi người, cả theo hướng thương mại hoặc phi thương mại, biến GiveAHand.AI thành một “thư viện dữ liệu mở” vô cùng dồi dào và mạnh mẽ.
Với mục tiêu đem lại sự bình đẳng, “mở” cho tất cả mọi người theo hướng Inclusive Design (thiết kế bao hàm), tạo ra sự dễ dàng hơn trong cuộc sống của những người đặc biệt, dự án GiveAHand.AI đang nhận được sự ủng hộ cũng như phát triển rất tuyệt vời. Và để kết lại, mình sẽ quote câu nói của tổ chức American Society for Deaf Children mà mình thấy rất đáng suy ngẫm, đó là “Deafness is not a disability, but language deprivation is” – Tạm dịch theo ý kiến của mình: Khiếm thính không phải là một khuyết tật, mà cái đang khiếm khuyết ở đây chính là hệ thống ngôn ngữ của chúng ta”. Không đầu hàng trước những sự cố trong cuộc sống, AI và công nghệ sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn và kiến tạo nên một hệ thống ngôn ngữ giúp mọi người có thể thấu hiểu nhau một cách dễ dàng.
Nguồn: GiveAHand.AI
Techhunt’s comment
Những tiến bộ công nghệ, và đặc biệt là AI đang mở ra những cơ hội và ứng dụng tưởng như chỉ có trong viễn tưởng, như dịch ngoại ngữ trong thời gian thực, và với GiveAHand.AI, là ứng dụng dịch ngôn ngữ ký hiệu trong thời gian thực. Trao đổi, trò chuyện giữa người với người dù ở bất kỳ quốc gia, màu da, điều kiện cơ thể nào cũng đều sẽ công bằng và dễ dàng hơn trước.
Đó là một tuần dành cho các case study từ những thương hiệu có tư duy rất mới lạ, áp dụng công nghệ đơn giản mà hiệu quả để làm trải nghiệm thú vị hơn. Chân thành cảm ơn các bạn đã đọc^^.
From the team at TechHunt | The Hunter Group
Views: 428